Thế nhưng, thông tin mới nhất từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) là Chính phủ đã không chấp thuận đề xuất này. Như vậy, hiểu một cách nôm na là ga Hòa Hưng sẽ không di dời ra ngoại thành, mà vẫn nằm ở vị trí hiện hữu trong nội thành, và tuyến đường sắt quốc gia sẽ đi xuyên qua TPHCM.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Kim Lăng, Phó Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Thiết kế GTVT phía Nam (Tedi South) - tư vấn thực hiện quy hoạch phát triển GTVT TPHCM đến 2020 tầm nhìn 2025.

Không nên thay phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn bằng phương tiện vận tải khối lượng nhỏ

* Thưa ông, Chính phủ đã ra quyết định này dựa trên ý kiến tham vấn của Bộ GTVT. Xin ông cho biết tại sao Bộ GTVT lại có quan điểm như vậy?



Ông Nguyễn Kim Lăng

- Tôi không thể trả lời thay Bộ GTVT nhưng ở góc độ tư vấn, tôi có thể nói là khi nghiên cứu thực hiện quy hoạch phát triển GTVT TPHCM đến 2020 tầm nhìn 2025, chúng tôi đã tham vấn đến mô hình phát triển đô thị của thành phố. Đó là phát triển các đô thị vệ tinh song hành với việc phát triển và cải tạo đô thị hiện hữu.

Muốn phát triển các đô thị vệ tinh và đưa người dân ra sinh sống ở đó thì trước hết phải tính đến yếu tố GTVT thông suốt giữa các đô thị.

Mạng lưới đường sắt quốc gia bao gồm mạng đường sắt liên tỉnh đường dài, mạng đường sắt liên vùng, mạng đường sắt nối ngoại thành với nội thành, tất cả đều phải đáp ứng rất hiệu quả yêu cầu này của thành phố.

* TPHCM đã có kế hoạch phát triển mạng giao thông công cộng nội đô bao gồm 6 tuyến metro, 3 tuyến xe điện và hàng trăm tuyến xe buýt… Theo tính toán, lực lượng này sẽ đủ sức đáp ứng cho nhu cầu đi lại của người dân thành phố ở cả đô thị hiện hữu và các đô thị vệ tinh trong tương lai… Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

- Sự kết hợp giữa mạng đường sắt quốc gia và mạng giao thông công cộng nội đô thành phố sẽ chỉ làm tốt hơn nhiệm vụ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân thành phố.

Hơn nữa, cũng cần phải nhớ, sự phát triển của thành phố trong tương lai sẽ gắn chặt với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (bao gồm TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu...).

Để nối kết những khu vực này thì mạng giao thông đường sắt quốc gia là khả thi nhất. Chúng ta đã có bài học về các tuyến xe buýt liên tỉnh của thành phố đi các tỉnh Long An, Bình Dương… không được chấp thuận với lý do thành phố không thể bỏ tiền ra trợ giá cho hành khách đi các địa phương khác.

* Một trong những điều mà thành phố lo ngại khi để mạng lưới đường sắt quốc gia đi xuyên qua trung tâm thành phố là sẽ “kéo” hành khách vào trung tâm, tăng thêm nguy cơ quá tải và ùn tắc giao thông ở đây?

- Hãy hình dung có một đoàn tàu chở 1.000 hành khách “bị” để lại ngoại thành rồi sau đó họ lại phải tìm đủ các phương tiện giao thông khác để vào nội thành. Như vậy, chúng ta đã đổi một phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn, để nhận về hàng loạt phương tiện vận tải khối lượng nhỏ.

Cách nào làm tăng nguy cơ ùn tắc giao thông, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nhiên liệu? Rõ ràng, đó là cách sử dụng nhiều phương tiện giao thông khối lượng nhỏ.

“Đi ngầm” hoặc “lên cao” để hạn chế giải tỏa

* Theo Quy hoạch phát triển GTVT TPHCM đến 2020 tầm nhìn 2025, từ ga Hòa Hưng còn có một tuyến đường sắt đi các tỉnh miền Tây Nam bộ, chạy dọc trục đường 3 Tháng 2. Đây hiện là một trong những trục đường giao thông huyết mạch của thành phố, nơi tập trung rất nhiều dân cư sinh sống. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín trước đây đã từng lo ngại đến việc phải giải tỏa trục đường này để xây dựng đường sắt. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân mà thành phố đề xuất không để đường sắt quốc gia đi vào nội thành TPHCM…

- Khi xây dựng đường sắt quốc gia trong nội đô, chúng tôi đã tính đến phương án đưa “lên cao” hoặc “xuống đất”, tránh các nút giao đồng mức với hệ thống đường hiện hữu.

Ngoài ra, khi nghiên cứu lập quy hoạch này chúng tôi cũng đã xem xét đến lộ giới của đường 3 Tháng 2. Đây là một con đường có lộ giới lớn nên khi triển khai xây dựng đường sắt quốc gia theo hướng “lên cao” hoặc “xuống đất” thì việc phải giải tỏa nhà dân là không lớn.

* TPHCM cũng cho rằng việc đưa một tuyến đường sắt cao tốc quốc gia chạy qua đô thị mới Thủ Thiêm sẽ không tiện lợi bằng đưa tuyến đường này “dừng” lại ở ga Suối Tiên - điểm cuối của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, vì tại đây hành khách có thể đi metro vào thành phố. Ông nghĩ sao về việc này?

- Việc quy hoạch một tuyến đường sắt cao tốc quốc gia đi qua đô thị mới Thủ Thiêm đã được tính toán từ năm 1993. Có tuyến đường sắt này thì việc giao lưu giữa đô thị mới Thủ Thiêm với các đô thị khác trong vùng TPHCM và các địa phương trong cả nước chỉ tốt hơn mà thôi.

Hiện chỉ còn có một băn khoăn là diện tích đất ở Thủ Thiêm dành cho ga đường sắt không nhiều. Do vậy, quy mô nhà ga có thể nhỏ đi và các dịch vụ hậu cần có thể phải chuyển ra ngoài.

* Một câu hỏi cuối, bao giờ quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia tại TPHCM mới được thực hiện?

- Điều này phụ thuộc vào nhiều vấn đề, chủ yếu là nguồn vốn đầu tư

Tại sao TPHCM đề nghị điều chỉnh quy hoạch giao thông?

Theo Quy hoạch phát triển GTVT TPHCM đến 2020 tầm nhìn 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007, ga Hòa Hưng là một trong những ga đường sắt quốc gia quan trọng mang tính chất trung tâm của TPHCM nói riêng và cả khu vực nói chung. Từ Hòa Hưng sẽ có một tuyến đường sắt quốc gia đi qua nội thị TPHCM theo hướng đường 3 Tháng 2 đi Tân Kiên, Long An.

Quy hoạch này đã được Bộ GTVT và UBND TPHCM thống nhất trình Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, khi quy hoạch chính thức có hiệu lực thì UBND TPHCM cho rằng có nhiều vấn đề cần điều chỉnh.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã có lần bộc lộ tâm tư, cứ nghĩ đến việc phải giải tỏa trục đường 3 Tháng 2 để xây dựng đường sắt là… băn khoăn.

Cuộc sống của hàng ngàn hộ dân sẽ bị ảnh hưởng mà thành phố cũng khó có ngay một khoản tiền lớn để đền bù cho dân. Hơn nữa, tại TPHCM mỗi ngày trôi qua là có thêm hàng ngàn phương tiện giao thông đăng ký mới, hàng ngàn người dân từ các tỉnh, thành khác đến thành phố sinh sống và làm việc.

Ga đường sắt quốc gia vào tận trung tâm thành phố “vô hình trung” sẽ kéo thêm hàng ngàn người đến TPHCM, làm thành phố càng thêm quá tải. TPHCM đã đề nghị nên dời Ga đường sắt Hòa Hưng về Dĩ An, hay nói cho đúng hơn là dời chức năng ga đường sắt quốc gia của Hòa Hưng về Dĩ An. Các tuyến đường sắt hiện có của Hòa Hưng sẽ được chuyển thành tuyến đường sắt nội đô.

Như vậy, hành khách của tuyến đường sắt quốc gia nếu không có nhu cầu vào TPHCM sẽ dừng ở Dĩ An và có thể đi ô tô để đến các tỉnh khác, vì ngay Dĩ An đã có các quốc lộ 1A và 1K tỏa đi các địa phương.

Hay về lâu dài, khi các tuyến đường sắt vành đai hình thành, thì hành khách có thể tiếp tục sử dụng đường sắt này để đi các tỉnh khác. Ngược lại, nếu hành khách muốn vào TPHCM, thì chuyển tiếp lên các tuyến đường sắt nội đô hoặc xe buýt để vào thành phố.

Quy hoạch phát triển GTVT TPHCM đến 2020 cũng xác định TPHCM sẽ có thêm một ga đường sắt quốc gia đặt ở ngay đô thị mới Thủ Thiêm. Khác với Ga Hòa Hưng là “ga tàu thường”, ga ở Thủ Thiêm sẽ là “ga tàu cao tốc”.

Về việc này, TPHCM cũng đề nghị điều chỉnh dời ra Suối Tiên, quận 9, vì không muốn tạo áp lực giao thông lên Thủ Thiêm. Hơn nữa, tại Suối Tiên đã có tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên sẵn sàng đưa khách vào trung tâm thành phố và bến xe ô tô khách miền Đông mới tiện lợi cho hành khách đi các tỉnh.


“Khai tử” ga trung tâm Hòa Hưng?

Theo Sài Gòn Giải Phóng

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME