Tràn lan dự án tự "vẽ", tự phân lô bán nền tại TP.HCM
Tình trạng tự vẽ dự án, tự phân lô lừa bán nền đất đang diễn ra tràn lan tại TP.HCM, chủ yếu do các đầu nậu, “cò đất”, hoặc các công ty bất động sản thực hiện.
Các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc phanh phui vi phạm và cảnh báo người dân để không bị rơi vào bẫy lừa mua đất “ma”.
Phân lô cả đất nông nghiệp, công viên, trường học
Để mua một phần thửa đất số 641 tại xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) với giá 1,48 tỉ đồng, vào ngày 20/4/2018, bà Vũ Thị Nhung (ngụ ở phường 15, quận Tân Bình) đã đặt cọc 300 triệu đồng cho bà Phạm Thị Thu Thủy (ở phường 15, quận 5). Theo giấy cam kết nhận cọc, trong vòng 4 - 7 tháng, bà Thủy phải có nghĩa vụ đi công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất sang tên cho bà Nhung.
Tuy nhiên, hết thời hạn trên, bà Thủy vẫn không thực hiện theo nội dung đã cam kết. Bà Nhung sau đó đến xã Đông Thạnh tìm hiểu mới biết dự án bà mua là ảo. Thực tế, thửa đất 641, diện tích sử dụng gần 10.500 m2 thuộc sở hữu của ông Mai Văn Khỉ (huyện Hóc Môn) và là đất lúa. Trước đó, ông Khỉ cũng nhận tiền đặt cọc của ông Trần Minh Sáng và đồng ý chuyển nhượng khu đất này. Theo thỏa thuận, thời hạn hoàn tất thủ tục mua bán từ 1 - 2 năm nhưng hiện vẫn chưa hoàn thành. Việc nhiều người đến tìm hiểu thửa đất này trong thời gian qua cũng khiến ông Khỉ rất bất ngờ.
Theo thông tin từ ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, cho đến nay đã có tới 50 đơn trình báo bị lừa tiền đặt cọc liên quan thửa đất của ông Khỉ. Các đơn thư đã được UBND xã tiếp nhận và chuyển qua cơ quan công an điều tra. Đến thời điểm này, ông Khỉ vẫn là chủ nhân hợp pháp của thửa đất trên về mặt pháp lý và chưa chuyển nhượng. Đây là đất lúa và trên đó cũng không có dự án nào. UBND xã cũng đã thông báo thông tin này trên bản tin truyền thanh của địa phương, yêu cầu người dân cần liên hệ với UBND xã tìm hiểu thông tin cụ thể về thửa đất, tránh bị lừa.
Còn theo anh Nghĩa, cán bộ địa chính xã Nhị Bình (huyện Hóc Môn), dọc các con đường trên địa bàn xã có nhiều biển quảng cáo rao bán đất nhưng toàn để giá ảo lừa khách hàng. Chúng tôi được anh Nghĩa dẫn đi xem 3 lô đất phân lô ảo trên địa bàn xã này, trong đó có một lô khá gần UBND xã. Anh Nghĩa cho biết, từ năm 2018 chủ đất đến đây đổ một vài xe đất lên trên, tạo cảm giác là đang tiến hành san lấp mặt bằng. UBND xã xác định lô đất chưa có thủ tục pháp lý nên đã cắm biển cảnh báo ở đối diện để người dân nhận biết, tránh bị lừa. Gần đó, một lô đất rộng khoảng 8.000 m2 cũng có 2 tấm biển cảnh báo lừa bán đất do UBND xã cắm.
Biển rao bán đất "ma" mọc lên chi chít khắp các tuyến đường
ở huyện Hóc Môn. Ảnh: Khả Hòa
Vụ việc Công ty cổ phần đầu tư Angle Lina (trụ sở tại số 92/B20 Tôn Thất Thuyết, quận 4) và Công ty bất động sản (BĐS) Hoàng Ân Group (số 254 Linh Trung, KP.1, phường Linh Trung, quận Thủ Đức) tự ý vẽ dự án phân lô trên bãi đất trống thuộc tổ 5, KP.6, phường Linh Trung để bán cũng vừa bị UBND phường Linh Trung, quận Thủ Đức phát hiện. Theo đó, bãi đất trống mà hai công ty này vẽ dự án và rao bán chính là khu đất nằm trong quy hoạch Đại học Quốc gia TP.HCM, hiện đang chờ thực hiện chính sách giải tỏa đền bù. Nhận thấy các công ty có dấu hiệu lừa đảo, UBND phường đã có thông báo đến người dân sống trên địa bàn và các khu vực lân cận.
Tương tự, một khu đất ở hẻm 38 Nguyễn Sơn, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú có diện tích hơn 4.000 m2 theo quy hoạch là đất công viên cây xanh - thể dục thể thao cũng bị phân lô rao bán. Tình trạng phân lô bán nền trái phép trên đất nông nghiệp, lừa bán đất cũng diễn ra phức tạp, bát nháo tại huyện Củ Chi và quận 12. Trong đó khu vực xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi) là một điểm "nóng" nhất của tình trạng này.
Chỉ đạo công an vào cuộc
Nhiều thông báo khẩn cấp đã được UBND huyện Hóc Môn gửi đến người dân, cho biết cơn sốt ảo về đất nền đã và đang diễn ra tại các huyện ngoại thành trên khắp địa bàn TP, bao gồm cả huyện Hóc Môn. Thông báo cũng nêu việc một số đối tượng đã giới thiệu, quảng cáo, rao bán đất nền, rao bán các “dự án nhà ở không hợp pháp” trên các trang mạng xã hội, bằng cách phát tờ rơi, sử dụng dịch vụ môi giới BĐS, “cò đất”…
Cùng với thông tin quảng cáo, các đối tượng còn hứa hẹn dụ khách “đặt tiền cọc” từ 50 - 400 triệu đồng để nhận sổ đỏ xây dựng nhà trong vòng 6 - 12 tháng. Để người dân tin tưởng, các đối tượng đưa ra một số bản sao “Biên nhận đã nộp hồ sơ” để chứng minh. Tuy nhiên những bản sao biên nhận hồ sơ này không hề tồn tại trên hệ thống lưu trữ hồ sơ hành chính đã nhận tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện.
Một biển cảnh báo lừa bán đất do chính quyền địa phương ở huyện
Hóc Môn, TP.HCM cắm trên khu đất trống. Ảnh: Khả Hòa
Trước thực trạng trên, UBND huyện yêu cầu công an huyện, UBND các xã - thị trấn phải kiểm tra chặt chẽ địa bàn để phát hiện, xử lý, kịp thời, ngăn ngừa và cảnh báo người dân. Qua nắm tình hình, UBND các xã - thị trấn cho biết, Xuân Thới Thượng, Nhị Bình, Đông Thạnh, Tân Thới Nhì và Tân Xuân là những xã hiện tập trung nhiều nhất các khu đất đang có dấu hiệu phân nền.
Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Dương Hồng Thắng, cho biết UBND các xã - thị trấn cũng đã kiểm tra, xác minh. Kết quả cho thấy, có một số đối tượng đã tự phân nền đất nông nghiệp, tự vẽ bản vẽ phân lô tổng mặt bằng trái quy định pháp luật, không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, sau đó giới thiệu, quảng cáo và rao bán cho người dân. Ngoài ra còn xuất hiện “đầu nậu”, “cò đất” giả làm người nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp diện tích lớn, mượn hàng loạt sổ đỏ đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân rồi tự phân lô trên giấy và rao bán đất nền. Đặc biệt, có một số trường hợp rao bán đất nền tại huyện nhưng trên thực tế các thửa đất này lại nằm ở địa bàn các huyện, tỉnh khác, lân cận huyện Hóc Môn... Do đó, UBND huyện cảnh báo người dân phải tìm hiểu kỹ thông tin khi muốn mua nhà đất, thận trọng trước sự tư vấn, lôi kéo của một số “cò đất”, dịch vụ tư vấn BĐS có dấu hiệu lừa đảo, tránh thiệt hại về tài sản.
Bà Trần Tri Trân Trác, Chủ tịch UBND phường Phú Thọ Hòa cũng đã chỉ đạo ban chỉ huy công an nắm tình hình an ninh trật tự tại khu vực trên, kịp thời ngăn chặn và tham mưu xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi gây rối mất an ninh trật tự, tránh tình trạng bị kẻ gian lợi dụng trục lợi bất chính.
Còn tại huyện Củ Chi, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện cũng ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng của huyện này tập trung xử lý các trường hợp quảng cáo, tiếp thị mua bán đất nền sai quy định.
Rộ chiêu trò tung tin đồn, văn bản giả mạo Hàng loạt vụ giả mạo văn bản của các cơ quan chức năng tại Đà Nẵng và Quảng Nam xuất hiện từ năm 2018 đến nay để thổi giá đất. Đầu tiên là một văn bản giả mạo UBND TP. Đà Nẵng cho xây cầu nối từ đường Bùi Tá Hán (quận Ngũ Hành Sơn) qua đảo VIP (khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) xuất hiện vào tháng 10/2018. Đến ngày 6/3/2019, trên Facebook lại lan truyền tin đồn cuối năm 2019 huyện Hòa Vang sẽ chia tách 4 xã Hòa Khương, Hòa Tiến, Hòa Nhơn, Hòa Phong thành lập quận mới mang tên Hiếu Đức. Cùng với đó là thông tin rao bán 100 lô đất nền nông thôn với giá đô thị nhằm đón sóng đầu cơ. Còn tại Quảng Nam từng xuất hiện thông tin tỉnh sẽ cắt một phần TX. Điện Bàn giao về cho TP. Đà Nẵng. Một vụ việc khác là giả mạo chữ ký Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam về siêu dự án ở Hội An. Theo nhận định của giới đầu tư BĐS, thực ra đây là động thái đẩy giá của đầu nậu để xả hàng, khi BĐS khu vực này đón không ít thông tin bất lợi về các dự án vướng pháp lý. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet