Trung Quốc: Nở rộ ly hôn, kết hôn giả vì chính sách kiểm soát BĐS
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, số vụ ly dị ở thủ đô Bắc Kinh năm nay đã tăng vọt lên 39.075 cặp vợ chồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Một xu hướng tương tự đang xảy ra ở Thượng Hải, với tỉ lệ tăng là 39,6%.
Nở rộ ly hôn và kết hôn giả
Giai đoạn từ năm 2008 đến 2011, tỉ lệ ly hôn ở Bắc Kinh và Thượng Hải không bao giờ vượt quá 10% nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi vào năm 2012, số vụ ly dị tăng lên đáng kể với 15% ở Bắc Kinh và 12,6% ở Thượng Hải.
Yinyuan có hộ khẩu thường trú tại Bắc Kinh trong khi vợ anh không đăng ký hộ khẩu tại đây. Do đã sở hữu hai căn hộ, nên cặp vợ chồng này không được mua căn hộ thứ ba ở Bắc Kinh. Đầu năm nay, Yinyuan và vợ quyết định li dị và để vợ đứng tên cả hai tài sản trên. Với cách làm này, Yinyuan có thể mua một căn nhà khác đứng tên mình.
Huang Bin và vợ sống ở thành phố Vũ Hán cũng quyết định “đường ai nấy đi” vào tháng trước với lý do tương tự. Mặc dù đã sở hữu hai tài sản bất động sản nhưng căn hộ này không gần trường học tốt trong khi cậu con trai 3 tuổi của họ sẽ đến trường vài năm tới.
Sau tư vấn của một đại lý bất động sản, cặp vợ chồng quyết định ly hôn và phân chia tài sản. "Chúng tôi có nghĩa vụ thực hiện đúng chính sách của chính phủ", ông Huang nói. Bây giờ, ông Huang không chỉ có thể mua một căn hộ khác mà còn được hưởng nhiều lợi ích khi mua nhà với tư cách là người độc thân. Huang cho biết, ông thấy nhiều cặp vợ chồng cũng giả ly dị. "Nó rất dễ dàng", ông nói. Thủ tục ly hôn ở Trung Quốc khá đơn giản và các bên sẽ nhận được giấy chứng nhận độc thân hai ngày sau khi ly dị.
Hu Jinghui - Phó Chủ tịch một công ty bất động sản ở Bắc Kinh nói rằng, rất khó xác định được ảnh hưởng của các vụ ly dị giả đến các giao dịch bất động sản ở Bắc Kinh.
"Ví dụ, trong ba quý đầu năm nay, có hơn 10.000 cặp vợ chồng giả ly dị để mua bất động sản. Tuy nhiên, cùng thời gian này, tổng số giao dịch của Bắc Kinh là hơn 200.000. Tỉ lệ các cặp vợ chồng ly dị để mua nhà thứ hai là chỉ chiếm khoảng 5%”, ông Hu Jinghui nói.
"Từ góc độ thống kê có thể thấy sự bất thường giữa ly hôn tăng và giao dịch bất động sản”, Li Ziwei -Tổng thư ký Hiệp hội Hôn nhân và xây dựng gia đình Bắc Kinh nói. Li cũng chỉ ra rằng, chính quyền cần một chính sách để kiềm chế giá nhà đất nhưng đồng thời cũng không thể đổ lỗi cho những người giả ly hôn để mua nhà ở. Đó là hiện tượng đặc biệt cần được xem xét một cách hợp lý.
Một đại lý bất động sản nói rằng, những cặp vợ chồng giả ly hôn để mua hoặc bán nhà chiếm khoảng 20-30% giao dịch của công ty ông. Họ có thể là người mua nhà lần đầu, những người muốn mua nhà với điều kiện ưu đãi về thế chấp hay những cặp vợ chồng muốn mua ngôi nhà thứ ba…
Ngoài ly hôn giả thì kết hôn giả cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tỉ lệ ly dị ở Bắc Kinh. Ví dụ, những người không có hộ khẩu ở Bắc Kinh chỉ được mua một tài sản bất động sản. Nhiều người tiến hành kết hôn với người dân địa phương chỉ để mua tài sản sau đó ly dị ngay.
Tháng 7 năm ngoái, cơ quan chức năng đã phát hiện một phụ nữ Bắc Kinh kết hôn và ly dị ba lần với ba người đàn ông khác nhau trong thời gian 5 tháng để giúp những người đàn ông này mua nhà.
Và những hệ lụy
Nhiều người cho rằng, xu hướng ly hôn tăng là sản phẩm phụ của chính sách thắt chặt kiểm soát bất động sản của Trung Quốc. "Tôi thường tư vấn cho các cặp vợ chồng rằng không nên đem chuyện hôn nhân đánh cược vào những việc như thế này”, Li Ziwei nói.
Hai tháng trước, Tòa án quận Haidian của Bắc Kinh đã cố gắng “dàn xếp” một vụ án ly hôn giả, trong đó người chồng từ chối tái hôn với người vợ đầu tiên vì ông đã lên kế hoạch kết hôn với người phụ nữ khác.
Tòa án Haidian đã ban hành văn bản cảnh báo các cặp vợ chồng về những rủi ro của ly hôn để mua bất động sản. Nhiều chuyên gia nhận định, cơ chế bất động sản của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến lối sống và các giá trị gia đình truyền thống của nước này.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet