Vật liệu xây dựng từ tro xỉ giúp bảo vệ môi trường
Tổng lượng tro xỉ tích trữ tại Việt Nam vào năm 2030 được dự báo lên tới hơn 422 triệu tấn. Đây sẽ là mối nguy hại lớn cho môi trường cũng như sức khỏe của con người nếu không có biện pháp tái chế, tái sử dụng hợp lý.
Hơn 422 triệu tấn tro xỉ, xử lý thế nào?
Số lượng nhà máy nhiệt điện đang hoạt động tại Việt Nam tính đến năm 2017 là 20 nhà máy với tổng công suất là 13.110 MW. Ước tính, hàng năm có khoảng gần 16 triệu tấn tro xỉ nhiệt điện phát sinh và vẫn tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.
“Theo tính toán của Viện Vật liệu xây dựng, tổng lượng tro xỉ tích trữ sẽ lên tới hơn 422 triệu tấn vào năm 2030. Nếu không có biện pháp tái chế, tái sử dụng hợp lý, lượng tro xỉ nhiệt điện này sẽ trở thành mối nguy hại lớn tới môi trường và sức khỏe người dân”, ThS Lê Văn Quang (Viện Vật liệu Xây dựng) cho hay.
Hàng năm, nước ta có khoảng gần 16 triệu tấn tro xỉ nhiệt điện phát sinh
Vấn đề này cũng được nhiều quốc gia quan tâm nghiên cứu. Trong đó, phương án sử dụng tro xỉ nhiệt điện để sản xuất các vật liệu xây dựng được lưu tâm hơn cả.
Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN Tp.HCM cho biết, đến hết năm 2018, thế giới có tất cả 13.377 sáng chế về nghiên cứu và ứng dụng tro xỉ làm phụ gia trong sản xuất vật liệu ngành xây dựng đã được công bố. Các công trình sáng chế tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2008-2018.
Theo báo cáo của Hiệp hội xi măng Nhật Bản năm 2013, quốc gia này có khoảng 12,5 triệu tấn tro xỉ. Quốc gia này đã tái sử dụng toàn bộ tro xỉ để làm phụ gia sản xuất xi măng, bê tông và vật liệu xây dựng dân dụng như gia cố, san lấp... Tỷ lệ tro xỉ nhiệt điện được tái sử dụng, tái chế tại các quốc gia như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ... cũng chiếm hơn 60%.
Các hướng ứng dụng phổ biến của tro xỉ nhiệt điện trên thế giới
Tro xỉ được sử dụng để làm phụ gia sản xuất xi măng là một trong những ứng dụng quan trọng của nguồn vật liệu này. Holley J và Young W D (ở Hoa Kỳ) đã công bố sáng chế sử dụng tro bay, xỉ xi măng, sacarit, metakaolin và đá bọt để tạo thành xi măng vào năm 2018. Cũng trong năm này, các tác giả Trung Quốc đã công bố sáng chế phương pháp hình thành vật liệu xây dựng có chứa tro bay, giúp cải thiện cường độ cũng như khả năng chống nước của vật liệu.
Vật liệu xây dựng từ tro xỉ có nhiều tiềm năng
Riêng tại Việt Nam, các công trình sáng chế sử dụng tro xỉ trong vật liệu xây dựng cũng đã được công bố nhiều. Đơn cử như: tác giả Trần Trung Nghĩa với công trình sản xuất khối bê tông lấn biển từ xi măng và hỗn hợp tro bay, xỉ than; tác giả Phạm Tuấn Nhi với công trình sản xuất bê tông nhẹ không sử dụng xi măng, gạch nhẹ, tấm panen nhẹ cách nhiệt... Theo định hướng của Chính phủ, đến năm 2020 sẽ tái sử dụng 30% lượng tro, xỉ tồn chứa trong các bãi thải và tái sử dụng toàn bộ lượng tro xỉ phát thải hàng năm.
Theo ThS Lê Văn Quang, hiện đang có 2 công nghệ được sử dụng phổ biến tại các nhà máy nhiệt điện là công nghệ đốt than phun và công nghệ đốt than tầng sôi. Trong đó, hoàn toàn có thể tái sử dụng tro xỉ từ các nhà máy sử dụng công nghệ đốt than phun để làm phụ gia trong vật liệu xây dựng. Song, vẫn còn nhiều hạn chế trong hoạt động này.
Gạch không nung được sản xuất từ tro xỉ nhiệt điện
Nguyên nhân là do, chúng ta còn thiếu hệ thống tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng tro, xỉ nhiệt điện, ngay cả với những ứng dụng có thể tiêu thụ với lượng lớn, giá trị cao như sử dụng cho bê tông, hay làm vật liệu thay thế trong sản xuất xi măng, gạch sét nung...
Còn theo ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc công ty TNHH Gạch ống không nung Ngôi sao Bình Dương, nguyên nhân chính ở đây là do thói quen và tâm lý của người tiêu dùng. Những sản phẩm gạch không nung từ tro xỉ có chất lượng tốt, giá tương đương các loại gạch đất sét nung hiện mới chỉ được sử dụng tại các khu công nghiệp. Còn người dân vẫn e ngại khi sử dụng sản phẩm này.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet