Vũng Tàu: Chấn chỉnh cụm công nghiệp "treo"
Tính đến cuối năm 2013, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những điều chỉnh quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tới năm 2020. Theo đó, sau rà soát, điều chỉnh, chỉ còn 14 cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tòan tỉnh.
3 CCN thu hút được 8 dự án
CCN Hắc Dịch 1 (huyện Tân Thành) hiện thu hút 4 dự án, tỷ lệ lấp đầy hơn 80%. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH May Thạnh Mỹ, CCN Hắc Dịch 1 trong giờ làm việc. |
Hơn 2 năm qua, do tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu dự án đầu tư, nên các CCN không thu hút được các dự án sản xuất. Mặt khác, các chủ đầu tư hạ tầng kéo dài việc triển khai dự án làm cho các CCN giậm chân tại chỗ. Điều này đã ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển các CCN của tỉnh, làm cho đời sống và quyền lợi của người dân sinh sống trong vùng quy hoạch không được thuận lợi. Ông Nguyễn Văn Tam, nhà ở ấp Phước Nghĩa, xã Tam Phước (huyện Long Điền) cho biết, các CCN quy hoạch treo làm cho việc sinh hoạt, sản xuất của người dân gặp rất nhiều khó khăn. "Đất đai không sản xuất được, con cái lập gia đình muốn tách thửa cũng không được làm" - ông Tam nói.
CCN Ngãi Giao (huyện Châu Đức) hiện có 1 dự án đi vào sản xuất là Công ty TNHH Meisheng Textiles chuyên về sản xuất sợi. |
Theo báo cáo của Sở Công thương, trong số 17 CCN có chủ đầu tư, hiện mới có 6 cụm hoàn thành các thủ tục để xây dựng hạ tầng. Trong đó có 3 cụm thu hút được 8 dự án thứ cấp, với quy mô 58,7ha và tổng vốn đầu tư 2.596 tỷ đồng. Cụ thể, CCN Hắc Dịch 1 có 4 dự án, CCN Boomin Vina 1 dự án và CCN Ngãi Giao có 1 dự án. Trong đó, CCN Hắc Dịch 1 có qui mô 30ha, do Công ty CP Phú Mỹ làm chủ đầu tư, đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật gần hoàn chỉnh. CCN này đã thu hút được 4 dự án sản xuất: Dự án may túi xách xuất khẩu của Công ty TNHH may Thạnh Mỹ; Dự án sản xuất các sản phẩm may mặc của Công ty TNHH may Tân Mỹ; dự án may mặc của Công ty TNHH may Quốc tế Việt An và dự án sản xuất đồ nội thất của Công ty TNHH Đại Không gian. Hiện còn khoảng 8ha đất sạch chưa cho thuê, tỷ lệ lấp đầy khoảng hơn 80%.
CCN Ngãi Giao (huyện Châu Đức) có qui mô 30ha, do Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Kim Cương làm chủ đầu tư. CCN này đã cho Công ty TNHH Mei Sheng Textiles thuê toàn bộ diện tích để đầu tư khu liên hợp sản xuất sợi, dệt kim. Hiện nay nhà máy đang hoạt động, thu hút khoảng 1.500 lao động. CCN Boomin Vina (huyện Tân Thành) có qui mô 50ha, được UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH Boomin Vina làm chủ đầu tư. Hiện chủ đầu tư đã khởi công xây dựng hạ tầng và gần hoàn thiện các hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Trong CCN này hiện có một dự án thứ cấp là Nhà máy sản xuất chăn len, quy mô khoảng 15ha, mới đưa vào hoạt động đầu năm 2012.
Việc chậm triển khai các dự án CCN khiến cho đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Người dân phơi tôm trong CCN Hồng Lam (TP. Bà Rịa). |
Chấn chỉnh CCN "treo"
Bà Trần Thị Hường, Giám đốc Sở Công thương cho biết, theo quy hoạch phát triển các cụm CN-TTCN đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh phát triển 29 CCN với quy mô 1.523ha. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, có một số cụm CN-TTCN được quy hoạch ở những vị trí không phù hợp; vướng trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thủ tục thực hiện các quy trình triển khai dự án đầu tư mất nhiều thời gian; chưa bố trí vốn ngân sách đầu tư hạ tầng các CCN để di dời các cơ sở ô nhiễm ở TP. Bà Rịa và TP. Vũng Tàu (cụm Long Tâm, Phước Thắng)…
Để chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư phát triển các cụm CN-TTCN, qua kết quả rà soát, Sở Công thương đã báo cáo UBND tỉnh đề nghị loại bỏ 15 CCN ra khỏi quy hoạch, thu hồi chủ trương đầu tư (hoặc giấy chứng nhận đầu tư) 15 CCN, số lượng CCN còn lại sau rà soát là 14 cụm CN-TTCN, với qui mô khoảng 564ha. Dự kiến vốn đầu tư hạ tầng trong giai đoạn này vào 14 CCN khoảng 2.840 tỷ đồng, thu hút vốn đầu tư sản xuất khoảng 13.808 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 17.150 lao động. Vốn đầu tư này sẽ được huy động từ mọi thành phần kinh tế, trong đó có vốn ngân sách dùng để xây dựng hạ tầng các CCN phục vụ cho việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư.
Bà Trần Thị Hường cho biết thêm, giai đoạn 2013-2020, 5 nhóm ngành nghề sẽ thu hút đầu tư vào các CCN trong thời gian tới, bao gồm: Cơ khí chế tạo; Điện - điện tử; Chế biến nông - lâm sản; Dệt, may mặc, giày da; Sản xuất vật liệu xây dựng. Ngoài ra, một số CCN được quy hoạch để phục vụ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, sẽ được thu hút thêm một số ngành nghề đặc trưng của địa phương (không thuộc 5 nhóm ngành nghề nêu trên). Riêng ngành dệt - nhuộm chỉ phát triển ở CCN Ngãi Giao (huyện Châu Đức) do UBND tỉnh cấp phép. Các CCN còn lại chỉ thu hút ngành dệt, đối với ngành nhuộm chỉ được thu hút khi UBND tỉnh cho phép.
"Quan điểm của tỉnh là quy hoạch phát triển các CCN gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo ra kết cấu hạ tầng đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư của tỉnh. Đồng thời di dời, sắp xếp tập trung thu hút các dự án sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa. Mô hình liên kết CCN nhằm giúp DN tăng cường liên kết, chia sẻ thông tin, nguồn lực để từng bước nâng cao công nghệ và năng lực cạnh tranh cũng là mục tiêu tỉnh hướng tới thực hiện theo quy hoạch này" - bà Trần Thị Hường cho hay.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet