Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, các đề án thí điểm đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thời gian qua tại một số địa phương được triển khai rất chậm. Đơn cử TP.HCM có năm dự án thí điểm nhưng đến nay vẫn chưa có tờ trình Chính phủ.
Xây dựng 200.000 căn hộ
Trước bối cảnh này, Bộ Xây dựng đã có tờ trình Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2009-2015”. Mục tiêu của chương trình là đầu tư từ nguồn vốn nhà nước và các nguồn vốn huy động khác để xây dựng khoảng 200.000 căn hộ, tương đương 9.800.000m2 sàn nhằm giải quyết chỗ ở cho khoảng 30% số hộ gặp khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị.
Tổng số vốn đầu tư của toàn bộ chương trình khoảng 49.000 tỉ đồng (tính theo mặt bằng giá tại thời điểm quý 4-2008), trong đó nguồn vốn nhà nước khoảng 25.600 tỉ đồng và nguồn vốn huy động của các thành phần kinh tế khoảng 23.400 tỉ đồng.
Bộ Xây dựng đã đề xuất kế hoạch bằng việc triển khai thực hiện một số dự án đầu tư nhà ở xã hội tại TP.HCM và Hà Nội. Tổng nguồn vốn đầu tư giai đoạn này khoảng 8.200 tỉ đồng. Theo đó, Nhà nước đầu tư từ quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia khoảng 2.500 tỉ đồng để triển khai đầu tư xây dựng 10.000 căn hộ (khoảng 500.000m2 sàn) tại Hà Nội và TP.HCM, mỗi địa phương 5.000 căn hộ; nguồn vốn từ ngân sách địa phương khoảng 2.700 tỉ đồng để xây dựng 10.800 căn hộ (khoảng 540.000m2 sàn); vốn huy động của các thành phần kinh tế khoảng 3.000 tỉ đồng để xây dựng 12.000 căn hộ (khoảng 600.000m2 sàn).
Trong giai đoạn từ 2011-2015, Bộ Xây dựng lên kế hoạch dự kiến đầu tư khoảng 40.800 tỉ đồng (khoảng 8.160 tỉ đồng/năm).
Nhiều cơ chế khuyến khích, ưu đãi
Bộ Xây dựng đề xuất các cơ chế khuyến khích, ưu đãi đối với các thành phần tham gia chương trình xây dựng nhà ở như: miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, ưu đãi về thuế, hỗ trợ tín dụng... Ngoài ra còn có các hỗ trợ đầu tư khác như: được Nhà nước giao (hoặc cho thuê) các khu đất đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng và đã có hệ thống hạ tầng kết nối ngoài phạm vi dự án; được cung cấp thiết kế mẫu, thiết kế điển hình về nhà ở xã hội... UBND tỉnh thành xem xét, hỗ trợ khoản lãi định mức khi thực hiện dự án, tối đa không quá 10% tổng mức đầu tư dự án.
Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép bộ được trực tiếp đảm nhận đầu tư xây dựng một số dự án nhà ở xã hội thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM trong giai đoạn 2009-2010.
Một trong các phương thức cho thuê mua nhà ở xã hội là ưu tiên áp dụng đối với đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan quân đội và công an đang làm việc trong các cơ quan nhà nước. Những đối tượng này phải đáp ứng điều kiện có đủ khả năng chi trả 20% giá trị tiền thuê mua ngay sau khi ký hợp đồng. Thời hạn cho thuê nhà ở xã hội trong hợp đồng tối đa năm năm, khi hết thời hạn nếu bên thuê có nhu cầu tiếp tục thuê phải thực hiện thủ tục xác nhận vẫn thuộc đối tượng được thuê nhà ở xã hội; thời hạn cho thuê mua nhà ở xã hội do UBND cấp tỉnh thành quy định, nhưng tối đa không vượt quá 15 năm.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: Phương thức chủ yếu là cho thuê Trao đổi với Tuổi Trẻ về chương trình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2009-2015, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam (ảnh) cho biết: - Nếu chương trình được Thủ tướng phê duyệt trong thời gian sớm thì chúng tôi đề xuất trích 2.500 tỉ đồng từ gói kích cầu 1 tỉ USD để triển khai trong hai năm đầu, dĩ nhiên nguồn vốn tổng thể lớn hơn nhiều... Chương trình bảy năm này thật ra chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng nhà ở xã hội là việc sẽ kéo dài nhiều chục năm. * Dự kiến chương trình chỉ giải quyết cho khoảng 30% số hộ gặp khó khăn, vậy điều kiện để được thuê, thuê mua nhà ở xã hội thế nào cho công bằng, thưa ông? - Điều này nếu không tính trước cũng dễ xảy ra mất công bằng. Chúng tôi đã đưa ra các tiêu chí rất cụ thể, ví dụ như người được thuê, thuê mua phải chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng quá chật chội (bình quân dưới 5m2/người) mà không có điều kiện cải thiện chỗ ở; có mức thu nhập bình quân hằng tháng đáp ứng điều kiện quy định tại nghị định 90 hướng dẫn thi hành Luật nhà ở... Phương thức chủ yếu của chương trình này sẽ là cho thuê, còn thuê mua giao cho dự án của khối doanh nghiệp. * Chất lượng công trình nhà ở xã hội sẽ được đảm bảo như thế nào khi vừa qua nhiều công trình nhà tái định cư có chất lượng kém? - Với việc xây dựng nhà ở xã hội thì các quy chế, chế tài để quản lý chất lượng phải được tăng cường, sẽ có những quy định về trách nhiệm rõ ràng cho các bên có liên quan. Chúng tôi sẽ nghiên cứu và đề xuất để ban hành nhiều quy định nhằm tăng cường hơn nữa chất lượng các công trình mang tính chất xã hội bằng nguồn vốn nhà nước. Ở các nước thì chương trình nhà ở xã hội thường do chính phủ trung ương lo. Ở nước ta, các địa phương cũng bị giới hạn về nguồn lực, còn doanh nghiệp thường không mặn mà với việc tham gia các dự án xã hội vì thời gian thu hồi vốn dài (có khi tới 30 năm). Đó cũng là lý do từ 2005-2008 gần như chưa làm được dự án nhà ở xã hội nào, nên tôi cho rằng nguồn vốn từ ngân sách trung ương ở đây là hết sức quan trọng. Đầu tư sao có lợi? Bộ Xây dựng vừa có tờ trình Chính phủ đề án dành 2.500 tỉ đồng từ nguồn vốn kích cầu để xây dựng thí điểm nhà ở xã hội (NƠXH) tại Hà Nội và TP.HCM trong năm 2009 và 2010. Nếu đề án được thông qua, sắp tới TP.HCM sẽ được đầu tư 5.000 NƠXH. Nên hỗ trợ doanh nghiệp xây nhà ở xã hội Theo ông Nguyễn Đăng Sơn - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, không nên thành lập một dự án khác mà nên đưa số vốn này thẳng vào chương trình NƠXH hiện tại của TP. “Vì vốn kích cầu này chỉ trong hai năm, nếu xây dựng một dự án khác sẽ không kịp thời gian. TP nên hỗ trợ các doanh nghiệp đã đăng ký thực hiện dự án để đẩy nhanh tiến độ”. Cũng theo ông Sơn, việc sử dụng vốn này không chỉ theo hình thức bơm tiền trực tiếp cho các doanh nghiệp mà nên thông qua nhiều cách như giảm thuế, chi phí cho doanh nghiệp... Đồng tình với ý kiến trên, một chuyên viên về nhà đất cho rằng nếu Nhà nước đứng ra xây dựng NƠXH thì không đủ kinh phí để làm, cần cho doanh nghiệp tham gia. Theo chuyên gia này, cứ duy trì cách làm “xã hội hóa” như lâu nay nhưng nới rộng một chút về lợi nhuận cho doanh nghiệp. Ở TP.HCM, giá đất và nhân công xây dựng rất cao nhưng NƠXH thì bị Nhà nước khống chế về giá bán, giá thuê... “Nên cho doanh nghiệp tham gia theo hướng xây dựng một dự án NƠXH thì được đổi bằng một khu đất sạch khác. Như vậy, số tiền kích cầu là dùng để tạo ra quỹ đất sạch đổi dự án với nhà đầu tư”. Ông Nguyễn Đăng Sơn nhắc lại năm đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động VN trước đây về việc xây dựng NƠXH mà ông cho rằng rất đáng lưu tâm. Đó là: miễn tiền sử dụng đất đối với nhà ở chung cư nhiều tầng, hỗ trợ kỹ thuật hạ tầng cho dự án nhà ở, cắt giảm các loại thuế phát triển nhà, miễn thuế kinh doanh nhà năm năm và cho đơn vị tham gia xây dựng NƠXH vay ưu đãi từ quỹ phát triển nhà hoặc các nguồn vốn khác với lãi suất 3-4%/năm. Mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội Theo Luật nhà ở, những đối tượng được mua và thuê mua NƠXH là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có thu nhập thấp. Tuy nhiên, theo đề án của Bộ Xây dựng, những đối tượng này mở rộng đến cả học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp và cả công nhân. Ông Sơn cho rằng việc mở rộng đối tượng được thuê NơXH là cần thiết để nguồn vốn kích cầu tác động được đến nhiều người. “TP Hà Nội cũng đã mở rộng các đối tượng chứ không bó hẹp theo quy định của Luật nhà ở” - ông Sơn nói. Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cũng ủng hộ phương thức mở rộng đối tượng thụ hưởng chương trình NƠXH. Theo ông, lực lượng công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng cần được chăm lo. Ông Sơn hiến kế: để triển khai chương trình NƠXH có hiệu quả, Nhà nước phải dành quỹ đất cho quỹ nhà này. Nếu để doanh nghiệp đi xin đất cả năm mới xây được dự án thì làm sao kích cầu được. Trong quy hoạch của TP hiện nay, chỉ có quỹ đất dành cho nhà ở nói chung chứ không có quỹ đất dành cho NƠXH và cho người có thu nhập thấp. Ngoài ra Nhà nước cần có chương trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ NƠXH. Và cuối cùng phải có một tổ chức đứng ra chăm lo việc này. Ở các nước khác, có tổng cục nhà ở tại trung ương và các cục phát triển nhà ở địa phương. Cơ quan này sẽ giúp nhà nước tìm lời giải có lợi nhất cho bài toán NƠXH và nhà ở cho người có thu nhập thấp - Khánh Yên |
Theo Võ Văn Thành (Tuổi Trẻ)
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet