Xây nhà không phép: Cán bộ còn bị kiểm điểm, kỷ luật dài dài
Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM Trần Trọng Tuấn cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới nhà không phép, chẳng hạn như nhân sự mỏng, yếu, địa bàn rộng và không loại trừ trường hợp có tiêu cực.
Theo ông Trần Trọng Tuấn, so với trước đây, nhất là vào cao điểm giữa năm 2013 thì tình trạng nhà không phép trên địa bàn Tp.HCM đã giảm rất đáng kể và chuyển biến tích cực. Song, hiện vẫn còn tình trạng xây dựng không phép, đặc biệt là các quận/huyện cửa ngõ hoặc vùng ven như quận 12, Bình Chánh, Thủ Đức,…
Cán bộ sẽ còn bị kỷ luật nếu không gỡ mâu thuẫn
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM |
- Phóng viên: Thưa ông, tình trạng xây dựng không phép ở Bình Chánh vẫn còn rất "nóng" dù UBND thành phố và các địa phương rất quyết liệt trong xử lý. Tại sao có thực trạng này và không lẽ cứ để người dân xây nhà không phép rồi đập bỏ, gây lãng phí?
Ông Trần Trọng Tuấn: Bình Chánh đang diễn ra quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, tốc độ gia tăng dân số cơ học cũng rất lớn. Bình quân mỗi năm Bình Chánh tăng khoảng 30.000 người (tương đương với dân số của một xã). Bên cạnh đó, Bình Chánh lại là địa bàn cửa ngõ thành phố với hàng loạt tuyến đường giao thông trọng điểm. Đó là chưa kể đến hàng loạt bệnh viện, khu công nghiệp, khu xử lý chất thải và hàng trăm dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở trên địa bàn.
Quá trình đó làm xuất hiện 2 mâu thuẫn. Một là, mâu thuẫn giữa áp lực quản lý đất nông nghiệp theo quy hoạch với quá trình phát triển đô thị mạnh mẽ. Xét theo nhiều yếu tố thì các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng, Tân Kiên, một phần xã An Phú Tây, Phong Phú, không còn là nông thôn nữa. Những nơi này tuy không thể sản xuất nông nghiệp được nữa nhưng trên bản đồ quy hoạch thì vẫn xác định là đất nông nghiệp.
Hai là, mâu thuẫn giữa quản lý nhà nước theo cơ chế nông thôn (xã) với địa bàn thực tế đã là thành thị. Mâu thuẫn này đã phát sinh rất nhiều vấn đề chứ không riêng trong lĩnh vực trật tự xây dựng.
Trong 9 tháng đầu năm 2016, tại Bình Chánh đã có 504 trường hợp xây dựng không phép, chiếm đến 46,6% toàn thành phố. Có nhiều nguyên nhân để đánh giá vấn đề này, trong đó có cả nguyên nhân nhân sự mỏng, yếu; địa bàn rộng; quản lý nhà nước chưa thật sự chặt chẽ; quy hoạch chậm triển khai.
Đặc biệt, không loại trừ trường hợp có tiêu cực cũng như năng lực, trình độ của cán bộ còn hạn chế. Nếu không giải quyết được 2 mâu thuẫn chủ yếu nói trên thì Bình Chánh mãi sẽ quẩn quanh với câu chuyện xây nhà không phép và cán bộ tại đây sẽ còn bị kiểm điểm, kỷ luật dài dài.
Rà soát quy hoạch, gỡ khó cho dân
- Lúc còn là chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, được biết ông đã có đề xuất lập thị xã Bình Chánh để phù hợp với thực tế của địa phương. Vậy đến nay, cơ chế này có còn phù hợp không, thưa ông?
Đề án thành lập thị xã Bình Chánh được lãnh đạo Tp.HCM cùng các sở, ngành đồng tình vì phù hợp với yêu cầu phát triển của Bình Chánh và quy định pháp luật. Nhưng thời điểm đó thành phố đang xây dựng đề án chính quyền đô thị nên đề án thành lập thị xã Bình Chánh không phù hợp để triển khai.
Hiện nay, với cơ chế thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương, vừa có phường, vừa có xã vẫn rất phù hợp với đặc điểm tình hình của Bình Chánh. Vừa qua, Bình Chánh đã đưa việc thực hiện đề án thành lập thị xã hoặc quận Bình Chánh vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020.
Nhiều hộ dân làm liều xây nhà không phép, nhưng cuối cùng bị cưỡng chế, tháo dỡ,
gây tốn kém, mất thời gian và gây bức xúc cho xã hội. Ảnh:Hồng Trâm
- - Thưa ông, trong thời gian chờ hoàn thành đề án, Bình Chánh cần có các giải pháp gì để hạn chế được nạn xây dựng không phép hiện nay?
Bình Chánh phải rà soát toàn bộ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng trên địa bàn huyện. Đối với những quy hoạch không phù hợp hoặc không khả thi thì cần điều chỉnh để sử dụng đất hiệu quả, phát triển đô thị và đảm bảo các quyền, lợi ích của người dân.
Báo cáo của huyện Bình Chánh cho hay, hiện nay có nhiều quy hoạch không phù hợp, không khả thi và còn nhiều dự án treo hơn 10 năm nhưng chưa triển khai. Điều này khiến địa phương gặp nhiều khó khăn trong quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng và làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân.
Xây dựng hơn 100.000 căn nhà ở xã hội
- Nhằm giải quyết quyền lợi cho người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch, ông từng đề nghị cấp giấy chứng nhận cho nhà được cấp phép xây dựng tạm. Một số địa phương cũng đề nghị cấp giấy chứng nhận và cấp phép xây dựng có thời hạn với các dự án đã có quyết định thu hồi đất nhưng để lâu không thực hiện. Theo ông, đây có phải là một trong các giải pháp hạn chế xây dựng không phép?
Theo quy định thì dự án đã có quyết định thu hồi đất sẽ không được cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ. Tôi cho rằng, cần xử lý trách nhiệm chủ đầu tư và dự án chậm triển khai chứ không thể cấp giấy chứng nhận, cấp phép xây dựng nhà cho các trường hợp đã có quyết định thu hồi đất. Đối với các dự án chậm triển khai, không thực hiện thì cần xem xét thu hồi. Khi đã thu hồi quyết định thu hồi đất thì quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất cũng được đảm bảo theo quy định.
Bên cạnh đó, Luật Xây dựng 2014 quy định, giấy phép xây dựng có thời hạn được cấp ở khu vực có quy hoạch phân khu xây dựng được phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất. Dù vậy, dự án được cấp phép xây dựng tạm đảm bảo phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được duyệt, dẫn đến không thể thực hiện việc cấp giấy phép xây dựng tạm.
Liên quan đến việc này, Sở Xây dựng đã báo cáo và Bộ Xây dựng đã thấy bất cập này để đưa vào chương trình sửa đổi Luật Xây dựng 2014. Trong thời gian chờ Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Xây dựng năm 2014, thì Sở Xây dựng đã báo cáo, đề xuất UBND thành phố vẫn giải quyết việc cấp giấy phép xây dựng tạm theo Quyết định số 27/2014 của UBND TP.
- Việc xây dựng không phép cho thấy nhu cầu về nhà ở của người dân là vô cùng bức thiết, đặc biệt là nhà ở cho người thu nhập thấp. Vậy giải pháp tới đây là gì, thưa ông?
Phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp là giải pháp căn cơ để góp phần giải quyết tình trạng xây dựng nhà không phép. Từ khi Luật Nhà ở 2006 có hiệu lực đến nay, thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng 51 dự án nhà ở xã hội với hơn 47.500 căn.
Hiện đã có 12 dự án hoàn thành với 3.886 căn hộ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đầu tư, hoàn thành 35 dự án nhà lưu trú công nhân với 5.500 căn hộ, đáp ứng gần 40.000 chỗ ở cho công nhân và 5 dự án xây ký túc xá sinh viên, đáp ứng khoảng 61.000 chỗ ở. Song, kết quả đạt được còn khiêm tốn so với nhu cầu.
Tp.HCM hiện đang triển khai 39 dự án xây nhà ở xã hội với gần 43.700 căn hộ. Đồng thời, Sở Xây dựng còn rà soát, thống kê 94 dự án phát triển nhà ở thương mại có dành quỹ đất để xây nhà ở xã hội với số căn hộ nhà ở xã hội dự kiến khoảng 157.000 căn.
Chúng tôi cũng đang phối hợp lập kế hoạch, chương trình phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội để phấn đấu phát triển thêm 40 triệu m2 diện tích sàn xây dựng nhà ở, dự kiến nâng tổng diện tích sàn nhà ở trên địa bàn thành phố là 182 triệu m2 và diện tích nhà ở bình quân là 19,8 m2/người vào cuối năm 2020.
- Xin cảm ơn ông!
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet