Bãi đỗ xe tại Hà Nội: “Hẻo” quỹ đất, khuyết cơ chế
Do vướng mắc về quỹ đất và cơ chế chính sách thế nên việc đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe ngầm và cao tầng ở Hà Nội đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy.
Quỹ đất bị “ăn mòn”
“Quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2020” được phê duyệt vào cuối năm 2003 đã đặt mục tiêu quỹ đất điểm đỗ xe trên địa bàn đến năm 2020 là 703 ha và đưa ra danh mục 34 vị trí làm bãi đỗ xe tại 7 quận nội thành để thay thế các điểm đỗ trên hè phố giai đoạn 2004 - 2010.Đến năm 2020, Hà Nội có khoảng 34 vị trí được đầu tư bãi đỗ xe thay thế các điểm đỗ trên hè phố |
Tuy nhiên, đến nay, phần lớn các địa điểm được quy hoạch, mời gọi đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm vẫn không có doanh nghiệp (DN) nào nghiên cứu đầu tư, như Công viên Lê nin, Công viên Thủ Lệ, Vườn hoa Hàng Đậu, Vườn hoa Indira Gandi, Chi Lăng, điểm bãi trống cạnh Văn Miếu… và các bãi đỗ xe cao tầng dù đã có quỹ đất sạch, nhưng vẫn chưa được triển khai, như Bãi đỗ Long Biên, Nhà máy nước Lương Yên, điểm Tân Ấp, góc phố Nguyễn Đình Chiểu - Trần Nhân Tông… Sau 9 năm, nhiều quỹ đất dành cho dự án bãi đỗ xe đã bị chuyển đổi mục đích thành những trung tâm thương mại, dịch vụ, cao ốc, văn phòng cho thuê và thậm chí thành trụ sở của cơ quan nhà nước.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết, việc triển khai 34 bãi đỗ xe theo quy hoạch phụ thuộc lớn vào nguồn vốn. Dù được xã hội hóa, song kinh doanh bãi đỗ xe có hiệu quả không cao, nên ít DN đầu tư. Bên cạnh đó, một số bãi đỗ sau này đã có các quyết định của cấp thẩm quyền cho phép chuyển đổi để phục vụ cho dự án cấp thiết hơn.
Theo phân tích của ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng Ban quản lý Dự án Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, khó khăn lớn nhất khi đầu tư bãi đỗ xe là thiếu quỹ đất sạch, nhất là các dự án sử dụng quỹ đất của các DN phải di dời cơ sở sản xuất. Nhiều DN không chịu bàn giao quỹ đất sau di dời. Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng khác khiến DN thờ ơ với việc đầu tư xây dựng các điểm đỗ xe tại Hà Nội là do việc đầu tư xây dựng bãi đỗ xe cao tầng đòi hỏi kinh phí rất lớn, nhưng thu hồi vốn chậm.
Rất dễ hình dung bài toán hiệu quả để so sánh việc đầu tư bãi đỗ xe và các lĩnh vực khác. Để đầu tư bãi đỗ xe ở ngoại thành Hà Nội rộng 1 ha, DN phải chi cho giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng khoảng 45 tỷ đồng, nhưng theo tính toán phải mất 25 năm, DN mới có thể thu hồi vốn. “Nếu không có cơ chế ưu đãi về hỗ trợ vay vốn, giảm thuế, tiền sử dụng đất và cho phép DN tự quyết giá kinh doanh, thì việc thu hút đầu tư xây dựng các dự án bãi đỗ xe sẽ khó thực hiện”, ông Đức cho biết.
Khuyết cơ chế, thiếu ưu đãi
Ngoài thiếu quỹ đất, kinh doanh không hiệu quả, một trong những nguyên nhân mà DN không mặn mà với việc đầu tư bãi đỗ xe là các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này chưa rõ ràng, chưa có cơ chế ưu đãi riêng.Ông Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, đã có một vài nhà đầu tư xin đầu tư các dự án bãi đỗ xe ngầm, song thủ tục đầu tư chưa đồng bộ, mất nhiều thời gian, nên họ nản. Các nghị định khuyến khích đầu tư vào bãi đỗ ngầm, nhưng lại vướng Luật Đất đai, chưa quy định cụ thể giao đất dưới ngầm như thế nào, ranh giới tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, nên khó triển khai, chứ chưa hẳn là do thiếu vốn.
Ngoài việc các cơ quan chức năng chưa xây dựng được chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với nhà đầu tư bãi đậu xe, KTS. Lê Công Sỹ (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho rằng, thủ tục hành chính quá nhiêu khê khiến công trình trì trệ, trong khi vốn của DN phần lớn là vay ngân hàng, chậm trễ kéo dài khiến họ thiệt hại nghiêm trọng, buộc phải rút. Nhà nước muốn khuyến khích DN đầu tư vào một lĩnh vực cấp thiết, mà lại không tạo điều kiện để nhà đầu tư làm nhanh, làm hiệu quả, thì vừa không thu hút đầu tư, vừa không đạt được mục tiêu giải quyết chỗ đậu xe cho người dân.
Nhiều DN đầu tư bãi đỗ xe cho biết, hiện quy trình lập và triển khai dự án đầu tư xây dựng bãi đỗ xe từ việc xin chủ trương, lập quy hoạch, thẩm định dự án đến công tác thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy của DN đều trong tình trạng “vừa làm, vừa hỏi”, do chưa có các quy chuẩn và các hướng dẫn chi tiết. Thông thường, thủ tục cho mỗi dự án đều kéo dài khoảng 2 năm, khiến chi phí đầu tư tăng cao.
(Theo Baodautu)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet