Đề nghị miễn giảm tiếp lệ phí trước bạ
Trong kiến nghị mới nhất gửi tới kỳ họp thứ 22 HĐND TP Hà Nội khóa XIII (dự kiến diễn ra từ ngày 6 đến 10-12-2010), người dân Hà Nội mong muốn thành phố xem xét việc miễn giảm hoặc chậm thu lệ phí trước bạ (LPTB) cho các thửa đất mới cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) lần đầu.
Lệ phí trước bạ thấp sẽ khuyến khích người dân đăng ký quyền sử dụng đất, nhà |
Hàng chục nghìn “sổ đỏ” vô thừa nhận
Theo số liệu tổng hợp từ Cục Thuế của 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình cấp GCN, tại thời kỳ cao điểm, khi mức LPTB nhà đất còn ở mức 1%, đã có hơn 1,2 triệu GCN tồn đọng tại 51 địa phương, không có người đến nhận. Trong số này, những địa phương có GCN tồn đọng rất lớn là Nghệ An 178.698 GCN; Hà Tây cũ 200.003 GCN...
Con số này nếu tính trên toàn quốc có thể còn cao hơn nhiều do các địa phương có số lượng GCN tồn đọng lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội chưa đưa vào danh sách này. Phân tích qua số liệu của các địa phương cho thấy, nguyên nhân chính của việc cấp GCN chậm liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa hoàn chỉnh; do văn bản triển khai thi hành Luật Đất đai tại địa phương ban hành chậm; do tổ chức bộ máy chuyên môn về nhà đất chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc... Cùng với đó, do giá đất tăng cao qua từng năm (hiện đã cao hơn từ 8-15 lần giá đất của năm 2004) nên khoản chi cho LPTB khá lớn đối với những gia đình có thu nhập thấp. Kết quả, nhiều gia đình, nhất là gia đình ở các huyện ngoại thành, đã không tới lấy GCN đã được cơ quan có thẩm quyền ký duyệt. Hiện nay, tại Hà Nội, đang tồn đọng khoảng 50.000 GCN đã cấp nhưng các hộ gia đình, cá nhân chưa đến nhận.
Đề nghị giảm tiếp 50%
UBND TP Hà Nội đã nhiều lần báo cáo Bộ Tài chính và Chính phủ cho phép ghi nợ LPTB và trả GCN cho các hộ gia đình chưa tới nhận. Bộ Xây dựng trước đây cũng đã báo cáo Thủ tướng, đề nghị miễn LPTB đối với người dân mua căn hộ chung cư có diện tích dưới 60m2 và áp dụng cho lần đầu. Cùng với đó, giảm 50% LPTB cho các đối tượng bán nhà để mua nhà ở khác nhằm cải thiện điều kiện sống, hoặc bán nhà để mua nhà ở mới do di chuyển chỗ ở để phù hợp với điều kiện làm việc, học tập... Theo Bộ Xây dựng, thu LPTB cao không phản ánh đúng bản chất của việc thu lệ phí mà như là một sắc thuế mới. Bộ Xây dựng đề nghị cho giảm xuống còn 0,02% và không quá 2 triệu đồng để đảm bảo theo đúng nghĩa lệ phí. Theo Bộ Xây dựng, mức LPTB này sẽ khuyến khích người dân đăng ký với Nhà nước, đồng thời bảo vệ được quyền lợi của người dân.
Cũng đề cập tới vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên vừa đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát để sửa đổi giảm mức thu LPTB khi cấp GCN cho hộ gia đình cá nhân khi cấp GCN lần đầu (từ 0,5% hiện nay) xuống còn 0,2% để khắc phục tình trạng tồn đọng GCN đã ký chưa trao được cho người dân và khuyến khích người dân làm thủ tục đăng ký đất đai.
Cũng liên quan tới LPTB, Bộ Tài chính cho biết, để khuyến khích người dân đăng ký cấp GCN quyền sở hữu, sử dụng nhà ở (nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về nhà ở), tại Nghị định 90/NĐ-CP có quy định: “Không thu LPTB đối với trường hợp cá nhân tạo lập nhà ở thông qua hình thức phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân”. Thế nhưng, tại Nghị định số 71/NĐ-CP thay thế Nghị định 90/NĐ-CP, lại không quy định việc không thu LPTB đối với trường hợp trên. Do vậy, việc hướng dẫn không thu LPTB đối với trường hợp này bỗng dưng... không còn căn cứ để thực hiện.
Ghi nhận từ thực tế, Bộ Tài chính cho rằng, việc không thu LPTB đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân tạo lập nhà ở thông qua hình thức phát triển nhà ở riêng lẻ đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Không thể chấp nhận tình trạng người dân đã có nhà, đất hợp pháp khi xây dựng, sửa chữa lại phải nộp LPTB. Bởi vậy, Bộ Tài chính cho rằng, căn cứ các quy định của pháp luật và tình hình thực tế, việc không thu LPTB đối với trường hợp trên là cần thiết và phù hợp với yêu cầu thực tế. Việc làm này còn có ý nghĩa hỗ trợ cho người dân trong đăng ký quyền sở hữu nhà ở để được bảo vệ quyền lợi bằng pháp luật. Do đó, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục không thu LPTB đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân tạo lập nhà ở thông qua hình thức phát triển nhà ở riêng lẻ. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã đồng ý về nguyên tắc với đề nghị của Bộ Tài chính. Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện cụ thể, đồng thời sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung chính sách thu LPTB hiện hành cho phù hợp, nhằm tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thực tế.
(Theo ANTĐ)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet