M&A bất động sản tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm
Theo báo cáo mà bộ phận nghiên cứu Savills vừa công bố, trong những tháng đầu tiên của năm 2017, nguồn vốn ngoại đổ vào thị trường bất động sản thông qua hoạt động M&A đang gia tăng khá mạnh, nhất là ở phân khúc cao cấp.
Theo đó, tính đến tháng 5/2017, thị trường chứng kiến hàng loạt vụ rót vốn của nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt là Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc và Singapore. Cụ thể, trong tháng 5, một nhà đầu tư Nhật rót vốn mua lại 70% quyền sở hữu tòa nhà văn phòng A&B tại trung tâm nội thành Tp.HCM. Tập đoàn CapitaLand của Singapore vừa thành công góp thêm 500 triệu USD mua lại khu đất dự án thương mại 0,6ha tại trung tâm Tp.HCM để xây dựng một khu phức hợp quốc tế loại A.
Cũng trong quý I vừa qua, CapitaLand công bố mua lại 90% cổ phần của một dự án rộng 0,8 ha ở Thảo Điền để phát triển hơn 300 căn hộ thuộc dự án cao cấp tại quận 2. Một nhà phát triển khác của Singapore là KeppelLand đã chi 37 triệu USD để tăng cổ phần lên 16% trong dự án Saigon Centre và thành công khi góp vốn sở hữu dự án Empire City (quận 2). Hiện tổng số vốn đầu tư của KeppelLand tại Việt Nam lên đến 2,1 tỷ đô Singapore. Đầu tháng 5 vừa qua, Công ty CP Bất động sản Sơn Kim (SonKim Land) và tập đoàn đầu tư độc lập EXS Capital cũng công bố hoàn tất việc huy động vốn đầu tư từ thị trường quốc tế trị giá 100 triệu USD.
Nhà đầu tư châu Á ngày càng mạnh dạn hơn khi rót vốn vào thị trường Việt Nam
khiến các thương vụ M&A bất động sản trở nên sôi động
Hàng loạt thương vụ M&A có giá triệu đô khác đã được nhà đầu tư ngoại thực hiện thành công trong nửa đầu năm nay. Đơn cử, Creed Group thâu tóm 5 block căn hộ thuộc dự án La Casa quận 7 của Vạn Phát Hưng với giá 40 triệu USD; Sulyna Hospitality mua lại 70% cổ phần dự án khu nghỉ mát tại Phú Quốc với giá 14,65 triệu USD…
Bên cạnh các nhà đầu tư truyền thống, thời gian qua các nhà đầu tư mới đến từ Hong Kong cũng tỏ ra ngày càng hứng thú với thị trường BĐS Việt Nam. Bằng chứng là nguồn vốn từ các quỹ đầu tư tại đây đổ vào BĐS ngày càng nhiều. Tháng 3 vừa rồi, Hongkong Land đã ký cam kết góp vốn đầu tư với Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM (CII) nhằm khai thác loạt dự án nhà tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đại gia đến từ Hong Kong khác là Gaw Capital cũng bỏ ra hàng chục triệu đô để mua lại một loạt tài sản thương mại từ Indochina Land.
Nhìn nhận về hoạt động M&A tại thị trường bất động sản Việt Nam, đại diện Savills cho rằng, nguồn vốn ngoại đổ vào thị trường Việt Nam ngày càng nhiều với quy mô lớn dần là minh chứng cho sự tín nhiệm cao vào đà tăng trưởng bền vững của thị trường. BĐS Việt Nam sở hữu nhiều cơ hội và tiềm năng mà nhà đầu tư quốc tế nhắm đến. Đối với một thị trường non trẻ và còn tiềm ẩn nhiều biến động như Việt Nam, M&A là hình thức đầu tư mà đại đa số nhà đầu tư quốc tế sẽ dùng để tham gia vào thị trường, nhằm hiện thực hóa mục tiêu của họ.
Theo ông Ben Gray, Giám đốc Bộ phận Đầu tư thị trường vốn Cushman & Wakefield Việt Nam, cái khó nhất vơi các nhà đầu tư nước ngoài khi phát triển thị trường BĐS tại Việt Nam là quy phạm pháp luật và tính minh bạch. Tuy nhiên, thời gian gần đây quy phạm pháp luật ở Việt Nam đang không ngừng tiến triển, ngày càng tốt hơn. Cho đến nay, chính phủ đang đi đúng hướng và vẫn tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam, đưa ra nhiều giải pháp tích cực để các đối tác nước ngoài dễ dàng hơn khi đầu tư vào BĐS. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần từng bước giảm bớt các thủ tục rườm rà và lượng thời gian tốn kém cho một doanh nghiệp nước ngoài đăng ký tại Việt Nam.
Phương Uyên
(Theo Tuổi trẻ online)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet