Hiểm họa tiềm ẩn

Ngày 3/11/2012, một bé gái 4 tuổi tử vong vì chồm ra cửa sổ, rơi từ tầng 15 chung cư Phú Mỹ Thuận (huyện Nhà Bè). Ngày 12-12-2012, một bé trai 5 tuổi tử vong vì rơi từ lầu 5 chung cư Ngô Gia Tự (quận 10). Mặc dù hiểm họa trẻ em ngã từ trên tầng cao xuống đã được cảnh báo rất nhiều, nhưng vẫn có nhiều vụ tai nạn trẻ em tử vong thương tâm tương tự đã xảy ra.
 
 
Nhiều căn hộ tại chung cư Bàu Cát 1 (Tân Bình, Tp.HCM) bịt kín ban công bằng lưới sắt. Nếu xảy ra sự cố cháy sẽ khó thoát hiểm và chữa cháy.



Các lô của chung cư Ngô Gia Tự đã được xây dựng từ trước năm 1975 với thiết kế hành lang chạy ngang trước các căn hộ, lan can ban công cao chưa đến 1m. Do vậy các hộ có con nhỏ sinh sống tại đây luôn phải nơm nớp lo sợ con trẻ nô đùa rơi xuống đất. Tại các chung cư cao cấp xây dựng sau này, các hộ có con nhỏ cũng rất lo vì thiết kế các cửa sổ không có song sắt. Chị Nguyễn Tố Chi, có con 5 tuổi, đang thuê căn hộ ở chung cư Phú Thọ (quận 11), lo âu: “Ở chung cư này, cửa sổ không có song sắt. Khi nghe tin về những vụ tai nạn trẻ em rơi lầu tử vong, tôi đã phải thuê thợ đến rào chắn cửa sổ cho an toàn. Song sắt cửa sổ không bao nhiêu tiền, tại sao chủ đầu tư không lắp cho các căn hộ?”.

Thật ra cũng không phải chủ đầu tư tiết kiệm chi phí làm song sắt cửa sổ căn hộ ở các chung cư mới, mà vì phải đảm bảo an toàn thuận lợi về phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, trên các tầng cao không phải lo trộm đột nhập, nên việc không thiết kế song sắt cửa sổ nhằm bảo đảm mỹ quan kiến trúc, tạo cảm giác thông thoáng, sang trọng. Tuy nhiên, không thể vì yêu cầu đó mà bỏ quên yêu cầu phòng ngừa tai nạn cho trẻ nhỏ.

Thực tế nhiều hộ sau khi dọn đến ở căn hộ chung cư, thấy hiểm họa tiềm ẩn bởi lan can ban công thấp hoặc cửa sổ không có song sắt, nên đã làm lưới chắn ở lan can hoặc song sắt cửa sổ, làm xấu đi kiến trúc tòa nhà. Đứng từ phía dưới nhìn lên các chung cư Bàu Cát 1 và 2 (Tân Bình), Phạm Viết Chánh (quận 1), Phú Thọ (quận 11), Phan Xích Long (Phú Nhuận)…, với những ban công được làm thêm lưới chắn, biến thành “chuồng cu”, nhà kho, nơi treo móc quần áo và chứa các thứ linh tinh… trông thật nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị. Việc bịt kín ban công rất nguy hiểm, nếu xảy ra sự cố cháy sẽ cản trở việc thoát hiểm và chữa cháy.

Phải tuân thủ đúng quy chuẩn

Theo tiêu chuẩn xây dựng VN323/2004 do Bộ Xây dựng ban hành, đối với công trình nhà ở cao tầng, từ tầng 6 trở lên, không được thiết kế ban công, chỉ được thiết kế lô gia (không xây chồm ra bên ngoài như ban công). Lan can lô gia không được hở chân và có chiều cao không nhỏ hơn 1,2m. Các quy định về thiết kế, xây dựng ban công hay lô gia đảm bảo an toàn cũng đã được nêu khá chi tiết trong quy chuẩn xây dựng VN05/2008 do Bộ Xây dựng ban hành, như: lan can, ban công của các công trình nhà ở, cơ quan, trường học… từ 9 tầng trở lên phải đảm bảo độ cao tối thiểu 1,4m.

Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng, lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu đường kính 100mm. Với lan can hoặc lô gia được sử dụng bằng vật liệu kính, kính phải cố định, đảm bảo chắc chắn, không có khe hở nào nhét lọt quả cầu đường kính 75mm, khó trèo qua để ngăn ngừa chống rơi ngã. Như vậy, những quy định về thiết kế xây dựng ban công hay lô gia đều được nêu khá chặt chẽ, chi tiết. Tuy nhiên, thực tế không ít chủ đầu tư phớt lờ quy định. Khi ban công chung cư không đúng quy chuẩn thì những cư dân ở đó phải đối mặt với hiểm họa.

Về phía cư dân chung cư, không thể tùy tiện làm lưới chắn, song sắt bịt kín hết ban công, cửa sổ. Nếu nhà có trẻ nhỏ cần làm thêm song sắt nhưng không xây hay hàn trực tiếp và cố định vào cửa sổ khiến không đảm bảo thoát hiểm và chữa cháy, gây mất mỹ quan tổng thể kiến trúc tòa nhà. Điều cần hết sức lưu ý là nên hạn chế kê bàn ghế, tủ kệ... gần cửa sổ và không để trẻ nhỏ trong căn hộ khi không có người trông coi.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME